Cuộc Tranh Đấu Trường Kỳ

Nắm Vững Niềm Tin, bài 17

Rôma 7:14–25

Khi phải đối diện với nan đề mà biết mình sẽ không thắng nổi, người ta cầu cứu thần linh với hi vọng các thần linh có thể giúp đỡ hoặc hành động thay cho mình. Đó là lý do mà nhiều tín hữu đã cầu xin Chúa giúp mình thắng hơn tội lỗi nhưng hình như chẳng có sự giúp đỡ nào hết, rồi thắc mắc không hiểu tại sao. Sứ đồ Phaolô trình bày thực tế ấy: “Chúng ta biết rằng luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là người xác thịt đã bị bán cho tội lỗi. Tôi không hiểu điều mình làm. Vì tôi không làm điều mình muốn mà lại làm điều mình ghét” (14–15); tức là luật thiêng liêng không giúp được gì cho người vẫn nuông chiều tánh xác thịt bề trong. Luật pháp dù thiêng liêng nhưng bị bó tay đối với tội lỗi trong những người như vậy. Luật pháp chỉ kết án chứ không thể giải cứu ai được hết.

Điều mà Phaolô muốn người đọc cần phải hiểu là: không phải họ thiếu ước muốn làm điều tốt lành, cũng không phải thiếu sự hiểu biết; nan đề của rất nhiều tín đồ là không có sức chống lại ước muốn của tâm tánh xác thịt. Đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, đi nhà thờ, tham dự các sinh hoạt thường xuyên của Hội Thánh, hay hăng hái chứng đạo, vv., tất cả đều rất tốt nhưng chúng không thể giúp tín hữu đủ sức chống trả tâm tánh xác thịt của người chưa chịu khép mình trong Đấng Christ, tức là chưa sẵn lòng cho tánh xác thịt mình chịu chết với Ngài trên thập tự giá. Sứ đồ Giăng chỉ dẫn cách để tự biết mình có đang ở trong Chúa hay không: “Ai vâng giữ lời Ngài thì sự kính mến Đức Chúa Trời thật là hoàn hảo trong người ấy. Nhờ đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài” (1Giăng 2:5).

Vâng giữ và làm theo lời dạy của Đức Chúa Jesus là bí quyết giúp chúng ta thắng các sự ham muốn của xác thịt. Tuy nhiên, anh chị em cần phải nhận biết rằng dù mình là một người mới trong Đấng Christ, nhưng sự thúc giục của xác thịt và sự cám dỗ của tội lỗi vẫn hiện hữu; chúng vẫn tiếp tục hoành hành bất kể thực tế tâm linh chúng ta đã thuộc về Chúa. Cho nên, hãy giữ tâm trí tỉnh táo và tâm linh gắn chặt với Đức Chúa Jesus, thì chúng ta sẽ thoát khỏi sự cám dỗ của xác thịt và cạm bẫy của kẻ thù. Người bị thất bại là người trông cậy vào điều răn và luật pháp để tự mình đạt đến sự thánh khiết. Bởi vì “nếu tôi làm điều mình không muốn thì tôi nhìn nhận luật pháp là tốt đẹp. Bấy giờ không phải tôi làm điều đó nữa, nhưng chính tội lỗi ở trong tôi” (16–17).

Trong phần đầu đoạn 7 (1–13), Phaolô nói về tình trạng của người theo Do-thái-giáo vất vả giữ luật Torah nhưng luôn luôn thua tội lỗi. Qua phần nầy, ông nói về kinh nghiệm của người dù được tái sanh trong tâm linh nhưng vẫn bị xung đột giữa hai bản tánh; vì không ai có thể cậy sức riêng để thoát khỏi quyền lực của tội lỗi. Nếu tín hữu phạm tội thì không phải là con người mới trong Đấng Christ gây ra, nhưng là bản tánh tội lỗi trong con người xác thịt chưa bị trừ khử hoàn toàn. Hãy hiểu rằng, ngày nào còn sống trong xác thịt, chúng ta vẫn phải rất cẩn thận nương cậy Đức Thánh Linh hướng dẫn và ban năng lực. “Vì tôi biết rằng điều thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Tôi có ý muốn làm điều thiện, nhưng tôi không có khả năng để làm” (18).

Có một số người thường dùng những câu nầy để biện hộ cho hành động phạm tội của mình mà không biết rằng những người nhờ cậy Chúa để sống thì có thể tránh được sự phạm tội. Bí quyết là biết trong xác thịt mình không có điều thiện, dùng sức riêng là thất bại. Ai tìm kiếm tánh nết tốt lành của mình sẽ hoàn toàn thất vọng. Nếu biết điều đó thì chúng ta sẽ hiểu lý do tại sao người ta không thể làm điều thiện họ muốn, mà làm điều ác họ không muốn (19). Vì đó là sự xung đột giữa hai bản tánh của người tự tìm kiếm khả năng giúp đỡ của các tính tốt mà họ tưởng họ có. Chiếc thuyền chỉ có thể nằm trong bến, không bị trôi giạt, nhờ cái neo cắm sâu xuống đáy nước. Nếu cái neo còn ở trong thuyền thì chẳng có gì giữ nó khỏi bị phong ba đẩy đi theo sóng gió.

Bây giờ, nếu bản tánh cũ làm những điều mà bản tánh mới không muốn làm, thì không phải là con người đang hưởng ơn cứu rỗi thực hiện, mà là tội lỗi ở trong con người cũ hoành hành (20). Con người mới không có ước muốn như vậy. Tuy nhiên, không ai có thể dùng các câu nầy để phủ nhận trách nhiệm việc mình làm. Những sự mô tả ở đây là cách sứ đồ Phaolô giải thích các chuyển biến trong lòng con cái Chúa bị phạm tội, tức là những người tìm trong ý chí mình khả năng chống trả quyền lực của tội lỗi mà không tìm được. “Bởi vậy, tôi khám phá ra luật nầy: Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác bám theo tôi” (21). Phần thư Rôma nầy mô tả những diễn biến giằng xé trong lòng người sau khi họ tin Chúa. Người chưa tin Chúa không bị trải qua tình cảnh như thế nầy; vì khi họ làm nô lệ cho tội lỗi thì lương tâm của họ không bị chút cắn rứt gì lúc họ phạm tội.

Trước khi chúng ta thật lòng ăn năn tội lỗi trong quá khứ để tiếp nhận ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus ban cho, hầu như lòng chúng ta chưa bao giờ phải chống trả với sự thúc giục của tội lỗi. Lúc ấy chúng ta không biết mình là nô lệ của nó. Mọi việc chúng ta làm chỉ nhằm thỏa mãn những gì mình ham muốn. Nhưng sau khi đã trở thành tín đồ Đấng Christ, không còn là thù nghịch với Đức Chúa Trời, thì chúng ta bắt đầu thấy một kẻ thù mới: đó là tội lỗi. Người nào tự lực chống trả tội lỗi sẽ bị nó đánh bại. Chừng nào chúng ta biết ghét tội lỗi mà tuyệt vọng vì không chống nó nổi, chúng ta mới biết nương nhờ Chúa giúp mình thắng trận (22). Nan đề của rất nhiều tín hữu từ xưa tới nay là họ chưa thấy tuyệt vọng hoặc cần sự giải cứu của Đức Chúa Trời.

Có lẽ rất nhiều người tin rằng sau khi mình tin Chúa, có cái vé lên thiên đàng rồi, không cần phải giữ gìn tâm tánh mình nữa. Không có nhiều người cảm nhận như sứ đồ Phaolô: “nhưng tôi cảm biết trong chi thể tôi có một luật khác giao chiến với luật trong tâm trí tôi, bắt tôi phải làm nô lệ cho luật của tội lỗi, là luật ở trong chi thể tôi” (23). Có thể rằng chúng ta không đau khổ về tội lỗi vì đã dán cái nhãn mới có danh nghĩa Cơ-đốc lên tội lỗi cũ: Tính hung hăng thì đặt tên là nhiệt thành, tà tâm thì nói là yêu thương, giúp đỡ, vv. Thật ra, mấy cái đó là tội lỗi cũ, mưu tính cũ, bị lừa bịp bởi các luận điệu của loại giáo đồ sống hời hợt, giả hình, trốn tránh thực trạng tội lỗi, không thể sống thánh khiết. Ví dụ thần học gia Reinhold Niebuhr cầu nguyện như sau:

O God and Heavenly Father, Grant to us the serenity of mind to accept that which cannot be changed; courage to change that which can be changed, and wisdom to know the one from the other, through Jesus Christ our Lord, Amen.” Tạm dịch: “Lạy Chúa là Cha Thiên Thượng, xin ban cho chúng con tâm trí thanh thản chấp nhận điều không thể thay đổi; lòng can đảm để thay đổi điều có thể thay đổi, và sự khôn ngoan để phân biệt giữa hai điều, qua Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, Amen.” Rõ ràng là ông nầy chưa bao giờ trải qua quyền phép biến đổi của Chúa nên mới thốt ra lời cầu nguyện có vẻ rất khiêm tốn và trí thức. Và lời ấy đã lừa bịp được rất nhiều người.

Vô số tín đồ sa ngã vì lời cầu nguyện nầy. Bởi vì bản tính chúng ta là điều không thể tự thay đổi, chẳng lẽ con cái Chúa cứ tiếp tục sống đời tội lỗi theo bản ngã của mình? Ai biết cậy quyền năng Chúa, cầu xin Ngài, thì Ngài có thể thay đổi mọi điều. Nếu chúng ta thanh thản tiếp tục sống với thói quen tội lỗi mà mình không thể tự thay đổi, thì kết quả là hư mất. Sứ đồ Phaolô tuyệt vọng kêu lên “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể hay chết nầy?” (24), rồi ông reo lên: “Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta! Như vậy, chính tôi dùng tâm trí mình phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt mình phục luật của tội lỗi” (25). Qua đoạn tới, sứ đồ Phaolô sẽ chỉ dẫn chúng ta tới con đường vinh quang.

NamVungNiemTin17.docx

Rev. Dr. CTB