Thư Hê-bơ-rơ, bài 13
Hêbơrơ 9:13–15
Dưới giao ước cũ, thầy tế lễ thượng phẩm phải lấy huyết của con sinh tế là bò, chiên hay dê, hoặc tro thiêu xác bò cái tơ hoà nước, rảy trên những người bị ô uế vì phạm lỗi, để họ được sạch theo lễ nghi (Dân-số-ký 19:1–13). Nhưng sự tẩy sạch theo quy định của luật pháp về người bị ô uế, chỉ là lễ nghi tượng trưng cho sự tẩy sạch bề ngoài và tạm thời.
Đức Chúa Giêxu trong vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm thì đem chính huyết của Ngài vào dâng trong Nơi Chí Thánh của Đền -thờ trên trời, chỉ một lần là đủ để “cứu chuộc chúng ta đời đời” (12); vì huyết của Ngài có quyền năng vĩnh viễn để tẩy sạch lòng chúng ta hoàn toàn và mãi mãi (13–14).
Tuy nhiên, mọi con cái thật của Chúa đều cần phải biết rõ hai yếu tố khiến Huyết của Chúa có quyền năng vô biên.
Thứ nhất là Đức Chúa Giêxu hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Cha. Ngài xuống trần gian làm Người theo ý muốn và chương trình của Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn để bày tỏ cho thế gian biết Đức Chúa Trời là như thế nào.
Ngài làm trọn mục đích của Đức Chúa Trời, tự hiến thân một cách toàn hảo; cho nên, huyết Ngài được Đức Chúa Trời xem là quý giá vô song, là bằng chứng của sự vâng phục trọn vẹn.
Thứ nhì: “Nhờ Đức Thánh Linh đời đời, Ngài dâng hiến chính mình làm Sinh-tế không tì vết cho Đức Chúa Trời” (14). Như thế Đức Thánh Linh đời đời là sự sống trong Huyết của Đức Chúa Giêxu.
Ngôi Lời của Đức Chúa Trời đã nhập thể làm Người, cho nên sự sống của Đức Chúa Trời luôn ở trong Ngài. Sự sống ấy khiến Huyết của Đức Chúa Giêxu có giá trị tuyệt đối.
Quyền năng vô song của Huyết ấy đã đánh bại sự chết, chiến thắng âm phủ, và mở ra con đường vào Nơi Chí Thánh ở trên trời. Từ Nơi đó, trong vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, Ngài rảy huyết hi sinh của Ngài trên lương tâm tín hữu: “Huyết Ngài tẩy sạch lương tâm anh em khỏi những công việc chết, để anh em hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống” (14).
Lương tâm và lòng chúng ta có liên hệ chặt chẽ với nhau không thể tách rời. Lương tâm suy xét tư tưởng, lời nói và việc làm của ta là thiện hay ác để khuyến cáo về ý định mà ta toan tính sẽ làm. Vì thế, khi lương tâm chúng ta được Huyết Chúa tẩy sạch, thì lòng chúng ta cũng được hoàn toàn tẩy sạch.
Chính Huyết của Đức Chúa Giêxu, qua Đức Thánh Linh đời đời, đem lương tâm và tấm lòng chúng ta vào Nơi Chí Thánh của Đức Chúa Trời ở trên trời, vì Đấng đã tuôn đổ Huyết ấy đang ở nơi đó.
Bởi Huyết của Đức Chúa Giêxu có đủ quyền năng để làm thoả mãn đức thánh khiết của Đức Chúa Trời; cho nên Huyết Ngài có đủ quyền năng để làm thoả mãn tất cả nhu cầu trong tâm linh của con dân Ngài.
Tuy vậy, quyền năng của Huyết Chúa không tự động thực hiện sự thanh tẩy trên mọi người. Huyết ấy chỉ thi thố quyền năng trên những người có ý thức về sự hư hoại của con người xác thịt trong tâm linh họ, hiểu biết rằng Đức Chúa Giêxu đã đổ huyết ra để họ được tha tội, rồi họ xin áp dụng huyết ấy tha tội cho họ; nghĩa là xin Đức Thánh Linh đem huyết đã rảy trên rương giao ước tại Nơi Chí Thánh trên trời đến rảy vào lương tâm và lòng họ.
Sự hiểu biết về việc Đức Chúa Giêxu đã đổ huyết qua Đức Thánh Linh đời đời, là cực kỳ quan trọng cho bước đường tâm linh của mỗi Cơ-đốc-nhân. Thiếu sự hiểu biết ấy, tâm linh khó trưởng thành. Vì có ba lời chứng: “Đức Thánh Linh, nước và huyết; và lời chứng của cả ba phù hợp với nhau” (1Giăng 5:8).
Đức Thánh Linh luôn luôn dùng Huyết và Nước mà hành động trên chúng ta. Ngoài ý nghĩa thanh tẩy, Nước còn là tượng trưng cho chân lý, tức là Lời Chúa:
“Vì anh em đã vâng theo chân lý, nên lòng được tẩy sạch, …… Anh em đã được tái sinh không do hạt giống hư nát, nhưng hạt giống không hư nát: do lời hằng sống, trường tồn của Đức Chúa Trời.” (1Phi-e-rơ 1:22, 23).
“Như vậy Ngài thánh hoá Hội-thánh, lấy nước rửa – dùng Lời Đức Chúa Trời – làm cho tinh sạch” (Ê-phê-sô 5:26).
“Xin Cha dùng chân lý thánh hoá họ. Lời Cha là chân lý” (Giăng 17:17).
Tin rằng Đức Chúa Giêxu đổ huyết chết thay cho chúng ta, thì chúng ta nhận được sự tha tội. Nhưng khi hiểu biết và tin rằng Ngài đổ huyết Ngài qua Đức Thánh Linh đời đời, đem huyết ấy vào Nơi Chí Thánh để dâng lên Đức Chúa Trời, rồi Đức Thánh Linh đem huyết từ thiên đàng đến rảy vào lòng chúng ta để tẩy sạch chúng ta; chúng ta nhận được sự sống và quyền năng của Huyết Đức Chúa Giêxu, để chúng ta có thể được Đức Thánh Linh đem vào Nơi Chí Thánh, được sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
Đức Thánh Linh và Huyết Đức Chúa Giêxu lại biến tâm linh chúng ta thành Nơi Chí Thánh để Đức Chúa Trời đến ngự trị.
Vì thế, chân lý mầu nhiệm của Giao-ước mới là: Nhờ Đức Chúa Giêxu, tín hữu được vào Nơi Chí Thánh trên trời để ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, đồng thời nhờ công tác của Đức Thánh Linh, lòng tín hữu thành Nơi Chí Thánh dưới đất để Đức Chúa Trời đến ngự trị (Ê-phê-sô 2:6; 3:17).
Ngày xưa, giáo đồ Do-thái-giáo chỉ được đứng ở sân ngoài của đền thờ, gọi là hành lang, để xem các thầy tế lễ giết sinh tế, rảy huyết trên bàn thờ và đổ huyết ở chân bàn thờ, tượng trưng về sự tha thứ tội lỗi.
Các thầy tế lễ nhờ rảy huyết nên được vào nơi thánh. Thầy tế lễ thượng phẩm rảy huyết và bưng một chậu huyết để được phép vào nơi chí thánh.
Nếu anh chị em tín hữu ngày nay chỉ biết và tin Đức Chúa Giêxu đã đổ huyết để mình được tha tội, nhưng chưa khi nào được Đức Thánh Linh đem Huyết từ Nơi Chí Thánh trên trời rảy trên mình, thì anh chị em cứ tiếp tục làm những công việc chết, lòng không có một chút ý hướng nào để phục vụ Đức Chúa Trời. Bởi vì mục đích của sự tẩy sạch lương tâm nhờ Huyết Chúa là để có quyền năng mà phụng sự.
Được tha thứ tất cả tội lỗi đã phạm trước khi tin Chúa, thì không có nghĩa là những tội do cố ý phạm sau nầy sẽ đương nhiên được bôi xoá.
Mà bản tính dễ phạm tội vẫn còn nguyên nếu chưa được Đức Thánh Linh rảy Huyết từ Nơi Chí Thánh trên trời để tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những công việc chết, tức là tẩy sạch những ác uế trong cốt lõi của con người chúng ta, là những động lực thúc đẩy chúng ta làm những việc dẫn đến sự chết, mất ơn cứu rỗi.
Sự cứu rỗi vĩnh viễn chỉ có thể đạt được khi chúng ta được Đức Thánh Linh đem vào Nơi Chí Thánh trên trời và lòng cũng được trở thành Nơi Chí Thánh để Đức Chúa Trời có thể ngự trị, hướng dẫn và ban phước.
Hai danh hiệu của Đức Chúa Giêxu là: ‘Đấng Phục Vụ của Nơi Chí Thánh’ và ‘Đấng Trung Bảo của Giao Ước Mới.’
Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, Ngài ghi khắc luật pháp của Đức Chúa Trời vào lòng người tin và chuẩn bị họ để họ xứng đáng được bước vào Nơi Chí Thánh, vì Ngài là Đấng Phục Vụ tại nơi đó.
Giao ước cũ do Đức Chúa Trời thiết lập với dân Israel chỉ kết thúc khi nào những đòi hỏi hay quy định của nó được hoàn thành. Đòi hỏi và quy định của Giao ước cũ là tội lỗi phải bị trừng phạt bằng án chết. Như thế, phải có sự chết mới hoàn thành được quy định của Giao ước cũ.
Vì vậy, để làm Đấng Trung Bảo của Giao Ước Mới thay thế cho Giao ước cũ, Đức Chúa Giêxu phải chịu chết trả giá cứu chuộc và đem mọi người được chuộc ra khỏi tội lỗi và quyền lực của tội lỗi.
Ngài đã thoả mãn đòi hỏi của Giao ước cũ, cứu chuộc loài người và kết thúc nhiệm vụ của Giao ước ấy.
Chẳng những thế thôi, sự chết của Ngài là hành động phê chuẩn, cũng gọi là chứng nhận cho Giao ước mới. Bởi vì sự chết của Ngài khởi đầu cho một thời kỳ mới mà nhân loại có hi vọng sẽ vào nước trời.
Ngài “lấy cái chết mình chuộc các tội đã phạm dưới giao ước thứ nhất, để tất cả những người được kêu gọi có thể nhận lãnh cơ nghiệp đời đời theo lời hứa” (15).
Độc giả của thư Hê-bơ-rơ thời ấy đều là những tín đồ Do-thái-giáo đã phạm tội dưới giao ước cũ. Nhưng bất cứ ai, dù là người Do-thái hay dân ngoại nào đã biết Tin Mừng, đều là những người được kêu gọi để nhận lãnh cơ nghiệp đời đời theo lời hứa của Giao ước mới, mà Đức Chúa Giêxu là Đấng Trung Gian để thực hiện giao ước ấy.
Đức Thánh Linh, Đấng dùng Huyết và Nước để tẩy sạch tâm linh chúng ta, Đấng được ban xuống từ trời để thực hiện Giao ước mới, để mọi con dân Chúa đều được vào Nơi Chí Thánh.
ThuHeboro13.docx
Rev. Dr. CTB