Huyền Nhiệm Chương Trình Giáng Sinh (2)

Chúa Nhật, December 14th, 2014

Mùa Giáng Sinh, 02


Ma-thi-ơ 1:18–25

 

Tính di truyền của tội lỗi là lãnh vực mà không một ai trong nhân loại có thể chạm tới hoặc thay đổi chi được.

Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng công tác chuộc tội của Đức Chúa Giêxu chạm tới gốc rễ của tội lỗi, tức là giải quyết bản chất di truyền của nó. Rồi qua Đức Thánh Linh, Ngài đặt vào lòng tín hữu một bản chất hoàn toàn mới, thay thế cho bản chất cũ đã bị bứng gốc và tiêu diệt.

Người thế gian xưa nay vẫn lầm tưởng rằng chỉ cần làm điều đạo đức là sẽ điều chỉnh hoặc sửa đổi được bản chất xấu của lòng nhân loại. Nhưng chưa có ai làm được việc đó, và sẽ chẳng ai làm nổi. Những ai nghĩ rằng họ sẽ thành công trong việc tu hành, chỉ là những người mang ảo tưởng suốt đời chẳng bao giờ thành. Vì mọi người đi trước họ đã thất bại, họ cũng sẽ thất bại.

Khi thân thể bị bệnh thì thuốc men, sự chữa trị, mổ xẻ, vv. có thể chữa lành. Còn tâm linh của con người vốn mang bản chất tội lỗi từ khi sinh ra, thì không biện pháp hay phương cách nào có thể giúp cho người tự giải thoát khỏi bản chất đã bị nhiễm tội từ tổ tiên.

Trong cõi thể chất, nếu một người bị lọt xuống vũng sình, người ấy không thể tự lên khỏi hố sình; chỉ có thể được cứu thoát khi có ai ở trên bờ ném dây cứu nạn cho người ấy nắm và kéo người ấy lên.

Nguyên tắc của cõi tâm linh lại càng khó hơn. Bởi vì chẳng ai sinh ra trong nhân loại mà được ở ngoài vũng sình của tội lỗi; cho nên, không ai cứu được ai cả.

Hơn nữa, phương pháp cứu độ của Đức Chúa Trời không phải là sửa chữa cái sai xấu trong lòng người, nhưng là loại trừ cái sai xấu không thể sửa chữa đó, rồi Ngài thay thế bằng một tấm lòng khác trong trắng và tốt lành.

Tiến trình loại trừ bản chất cũ, thay vào bằng một tâm linh mới, được Đức Chúa Giêxu định nghĩa là sự sinh lại (Giăng 3:3).

Thế nhưng số phận được cứu rỗi của con người không phải chỉ có chừng đó, hay nói cách khác là không chỉ dừng ở đó; mà còn tiếp tục tiến lên một tiến trình thánh hoá, trong đó, Con của Đức Chúa Trời, tức là Chúa Cứu Thế, gọi là Đấng Christ, phải thành hình trong lòng người tin.

Đây là tiến trình mà không một ai trong nhân loại có thể tự làm được, chỉ do công tác quyền phép của Đức Thánh Linh thực hiện mà thôi. Vì vậy, tiến trình thánh hoá và được Đấng Christ thành hình trong lòng có liên quan chặt chẽ với sự giáng sinh của Đức Chúa Giêxu.

Vì nếu không có sự kiện Ngôi Lời Nhập Thể, tức là Đấng Cứu Thế vào đời để hi sinh chuộc tội cho nhân loại, rồi sống lại và được vinh quang về trời, thì Đức Thánh Linh chưa được ban xuống cho loài người (Giăng 7:39).

Công việc của Đức Thánh Linh trong lòng người tin để biến đổi tâm linh họ thành hoàn toàn mới, là công việc quyền phép mầu nhiệm của ân sủng Đức Chúa Trời.

Người ta vẫn cho rằng chỉ cần thay đổi hành động bề ngoài, thì sẽ biến đổi được động lực thúc đẩy trong lòng. Sở dĩ người đời thất bại trong việc tự sửa đổi, vì tìm cách sửa chữa cái ngọn mà không có khả năng sửa chữa gốc rễ của sự việc.

Nguyên tắc thiên đàng thì cho biết rằng người ta chỉ có thể làm việc thiện khi bản chất trong lòng họ là thiện. Nghĩa là động lực để thúc đẩy người ta hành động thiện hảo phải là một điều được đặt vào trong lòng mà không cần cố gắng bằng sức riêng hay toan tính gì cả.

Đức Chúa Giêxu phải giáng sinh để hoàn thành chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Qua ơn cứu chuộc, Ngài có thể đặt bản thể của Ngài trong lòng của bất cứ người nào tin, để thay thế cho bản chất con người cũ đã bị tiêu diệt, và Ngài làm cho người ấy có một lương tâm được trong trắng và thơ ngây như một đứa trẻ, là bản thể mà thiên đàng đòi hỏi phải có trong mọi công dân thiên đàng.

Sự trong sạch mà Đức Chúa Trời đòi hỏi đó không thể có được trong lòng con người thiên nhiên, nếu tâm linh của người ấy chưa được sinh lại. Vì thế mục đích sự giáng sinh của Đức Chúa Giêxu xuống trần gian là để qua chương trình cứu chuộc, Đức Thánh Linh sẽ biến đổi lòng người tin Ngài; và họ sẽ làm điều lành một cách tự nhiên.

Giáng sinh là một phần của chương trình Đức Chúa Trời cứu chuộc nhân loại. Nhưng công tác cứu chuộc không phải là một cuộc đại ân xá, mặc dù bất cứ người nào cũng có thể nhận tặng phẩm sự sống vĩnh cửu của chương trình cứu chuộc.

Như Kinh-thánh đã trình bày rõ rằng: Ngôi Lời phải trở nên một Người (Giăng 1:14) có đời sống vô tội, thì mới có đủ điều kiện và tư cách đại diện cho toàn thể loài người mà nhận lãnh hình phạt về bản tính di truyền của tội lỗi trong nhân loại.

Khi Con Đức Chúa Trời đã được thành hình trong lòng tín hữu, thì Ngài thay đổi động lực điều khiển tâm tính họ. Tức là Ngài thay đổi cái nguồn thúc đẩy các hành động và tư tưởng của chúng ta, khiến cho mọi ý muốn của chúng ta không còn hướng về các thứ tham muốn xấu nữa.

Chính vì thế mà phải có sự cộng tác của người tin trong tiến trình đổi mới. Đại ân xá là tất cả tội nhân đều được tha tội; dù có ăn năn tội mình đã phạm hay không. Nhưng trong ơn cứu rỗi thì đòi hỏi người muốn tiếp nhận phải ăn năn từ bỏ các tham vọng xấu của mình.

Tuy nhiên, ăn năn tội lỗi là một quyết định vô cùng khó. Không một ai có thể tự chọn sự ăn năn tội lỗi hoặc lúc nào sẽ ăn năn.

Việc bị cáo trách về tội lỗi là một điều bất thường, nếu nó có bao giờ xảy ra trong lòng người. Vì nó là khởi đầu của sự hiểu biết về Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Giêxu tiết lộ Ngài sẽ gửi Đức Thánh Linh xuống trần gian để cáo trách thế gian về tội lỗi (Giăng 16:8). Ngài cáo trách bằng cách khuấy động lương tâm trong lòng người và khiến cho người biết rõ họ đã phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời. Nghĩa là người ta sẽ thấy họ quá gian ác và ô uế trước mặt Đấng Thánh.

Đối diện với sự thật, một người có lòng ăn năn sẽ công nhận: “Lạy Chúa, con đã phạm nhiều tội nghịch lại Ngài;” còn lòng chưa thật ăn năn thì chỉ buồn rầu vì đã dại dột phạm lầm lỗi.

Cổng vào Vương-quốc của Đức Chúa Trời là qua một sự nhận biết đầy đau đớn khi quan niệm về thiện hảo, mà loài người tán tụng, chỉ là một thứ giẻ rách bẩn thỉu lúc bị đối diện với sự thánh khiết của Chúa Chí Thánh. Chẳng những tín hữu sẽ thấy các quan niệm thiện hảo của đời là vô giá trị, mà còn xem là đáng ghê tởm nữa (Gióp 42:5–6).

Đức Thánh Linh, Đấng tạo ra sự khuấy động đó trong lòng, sẽ bắt đầu làm cho Con Đức Chúa Trời thành hình trong tâm linh của người biết ăn năn tội lỗi của mình. Nếp sống mới của con người mới sẽ tự bộc lộ qua sự ăn năn có ý thức và nếp sống thánh khiết cách tự nhiên và thành thật, không cần phải cố gắng gì cả.

Đức Chúa Trời đã dùng tiên tri Ê-sai báo trước rằng Ngài sẽ xuống trần ở với loài người, tức là Emmanuel (Ê-sai 7:14; Ma-thi-ơ 1:23).

Cứ mỗi mùa Giáng-sinh, các bài giảng, nhiều nhà thờ nhắc lại sự kiện giáng sinh và nhấn mạnh ý nghĩa của chữ Emmanuel là Ngôi Lời Nhập Thể. Nhưng, ý nghĩa sâu nhiệm của chữ Emmanuel là Con Đức Chúa Trời thành hình và cư ngụ trong lòng mọi người nào tiếp nhận Ngài cách thành thật bằng sự ăn năn sâu cay và quyết tâm từ bỏ tội lỗi, thì ít khi được nhắc tới.

Sự kiện Con Đức Chúa Trời đến cư ngụ trong lòng người như thế chưa bao giờ xảy ra trước khi Đức Chúa Giêxu giáng sinh; mặc dù nhiều vị thánh xưa, là các vị anh hùng đức tin được Kinh-thánh nêu gương và được Đức Chúa Trời khen ngợi, họ vẫn chưa từng kinh nghiệm được phước hạnh có Con Đức Chúa Trời thành hình trong lòng.

Ngày nay chúng ta được diễm phúc vô cùng lớn là có Đấng Christ ở trong lòng chúng ta, các con dân của Đức Chúa Trời.

Đức Thánh Linh đã dùng sứ đồ Phao-lô viết thư Cô-lô-se; trong thư ấy ông nói đến “lẽ huyền nhiệm đã được giấu kín trải qua các thời đại và các thế hệ, nhưng bây giờ được giãi bày cho các thánh đồ của Ngài. Vì Đức Chúa Trời muốn họ bày tỏ sự phong phú và vinh quang của huyền nhiệm nầy giữa dân ngoại như thế nào, ấy là Đấng Christ ở trong anh em, là niềm hi vọng vinh quang” (Cô-lô-se 1:26–27).

Thưa anh chị em thân yêu, khi đã được biết huyền nhiệm vinh quang nầy, chúng ta hãy cùng suy nghiệm về chương trình giáng sinh của Đức Chúa Giêxu bằng một tinh thần hiểu biết mới.

Ý nghĩa của lễ Giáng-sinh đối với chúng ta phải thay đổi cho phù hợp với những gì mà Đức Thánh Linh đã đặt vào lòng chúng ta.

Hãy đầu phục Đức Chúa Trời; hãy ăn năn về bản chất gian ác của con người cũ; hãy sẵn sàng để Con Đức Chúa Trời có cơ hội thành hình trong lòng anh chị em.

Và hãy làm cho mùa Giáng-sinh năm nay thành món quà tuyệt hảo dâng lên cho Chúa yêu quý của chúng ta; bằng cách tạo điềuu kiện dễ dàng cho Con Ngài có thể thành hình trong lòng ta và là Emmanuel của chúng ta nữa.

MuaGiangSinh02.docx

Rev. Dr. CTB