Mười Điều Răn

Friday, March 4th, 2016

Xuất Ai Cập, bài 19


Xuất Ai-cập 20:1–26

Trước khi dân Israel vượt sông Giô-đanh để vào đất hứa, Môi-se kể lại cho họ biết rõ việc Chúa ban Mười Điều Răn ở chân núi Si-na-i: “Từ trong đám lửa trên núi, Đức Giê hô va đã phán mặt đối mặt với anh em (Phục-truyền 5:4). Nghĩa là khi “Đức Chúa Trời phán tất cả những lời nầy” (1), thì dân Israel trực tiếp nghe Ngài phán.

Tác giả thư tín Hê-bơ-rơ của Tân-Ước nói về tiếng phán ấy rằng: “Tiếng nói mà ai nghe đều nài xin đừng tiếp tục nói với mình nữa” (Hê-bơ-rơ 12:19). Như vậy, theo nghĩa của câu (1) thì mọi người ở chân núi Si-na-i đều nghe tiếng Đức Chúa Trời phán truyền vào thính giác của họ.

Lời Chúa nói rằng tình yêu nồng nàn dành cho dân mà Ngài đã chuộc ra khỏi ngục tù nô lệ là nền tảng mối liên hệ giữa Ngài với họ: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con, Đấng đã đem con ra khỏi đất Ai-cập, khỏi nhà nô lệ” (2).

Mối liên hệ đó là nền tảng của các điều răn và luật lệ mà Đức Chúa Trời ban cho dân Israel: “Trước mặt Ta, con không được có các thần nào khác” (3). Điều răn thứ nhất định rõ rằng họ không được thờ kính bất cứ thần nào khác ngoài Chúa.

Chân lý phổ quát nầy thật đúng; vì Đức Chúa Trời không áp đặt, Ngài làm ơn trước khi Ngài cho họ biết sự sai trật của tín ngưỡng đa thần. Điều răn thứ nhất ngăn chận sự cám dỗ của ý muốn tôn thờ các thần thánh tưởng tượng và của cải với danh vọng.

Điều răn thứ nhì nghiêm cấm việc tạc hình tượng cho thần thánh hay đối tượng phụng thờ, dù dùng để tượng trưng cho Đức Chúa Trời; cũng không được cúi lạy hay thờ kính các hình tượng ấy. Hậu quả nguy hiểm của sự vi phạm là bị lời nguyền rủa giáng tận các thế hệ thứ ba và thứ tư; nhưng ơn phước sẽ ban đến cả ngàn thế hệ cho ai yêu mến Chúa (4–6).

Điều răn cấm thứ ba là không được lạm dụng hay nói phạm đến Danh của Chúa một cách vô ý thức.

Người đời vẫn thường dùng chữ “Trời” một cách thiếu tôn kính trong ngôn ngữ giao tiếp hay đùa cợt hàng ngày. Về việc đó thì Chúa phán rằng:“Đức Giê-hô-va sẽ chẳng dung tha kẻ nào lạm dụng Danh Ngài” (7).

Điều răn nầy cũng áp dụng cho việc đem Danh Chúa ra mà thề thốt, vì chỉ Đức Chúa Trời quyết định việc thành bại hay sống chết của người ta. Đức Chúa Giêxu giảng rất rõ về việc thề thốt: “Đừng thề gì hết. Đừng chỉ trời mà thề, vì đó là ngai của Đức Chúa Trời; đừng chỉ đất mà thề, vì đó là bệ chân Ngài. … Cũng đừng chỉ đầu của con mà thề, vì con không thể tự làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được. Nhưng chỉ nên nói: ‘Phải, phải’ hay ‘không, không’ là đủ. Còn thêm thắt điều gì là do ác quỷ mà ra” (Mathiơ 5:34–37).

Điều răn thứ tư là giữ ngày nghỉ sau sáu ngày làm việc (8–11), mà người Do-thái gọi là ngày Sa-bát, tức là Thứ Bảy.

Việc giữ một ngày nghỉ sau sáu ngày làm việc thì người trên thế gian đều muốn; ngoại trừ những người chủ tiệm, chủ chợ, người buôn bán hái ra tiền vào ngày mọi người đi mua sắm vì được nghỉ.

Nhưng có giáo phái vẫn giữ ngày Thứ Bảy hàng tuần đúng theo văn tự đã chép trong Kinh-thánh! Mặc dù Đức Chúa Giêxu đã giải thích: “Ngày sa-bát được tạo nên vì loài người, chứ không phải loài người được tạo nên vì ngày sa-bát!” (Mác 2:27).

Vào thời sơ lập của Hội-thánh, thì ngày thứ nhất trong tuần là ngày kỷ niệm Đức Chúa Giêxu sống lại từ cõi chết nên Hội-thánh nhóm lại thờ phượng và nghỉ ngơi (Công-vụ 20:7; 1Côrinhtô 16:2), gọi là Chúa Nhật.

Bốn điều răn đầu là bổn phận của loài người đối với Chúa. Sáu điều răn tiếp theo là phận sự giữa loài người với nhau, mà điều đầu tiên là con cái phải hiếu kính cha mẹ (12).

Hiếu kính là bổn phận căn bản, nền tảng đạo đức trong xã hội. Hiếu kính là nể trọng, tôn kính và vâng lời. Không có gì sai trái trong sự hiếu kính cha mẹ. Cha mẹ là các đấng sinh thành, người nuôi dưỡng, bảo vệ và dạy dỗ con cái lớn khôn. Cho nên, hiếu kính là bổn phận cao nhất của con cái đối với cha mẹ mình.

Điều răn thứ nhất giữa người với người cũng là điều răn duy nhất có lời hứa cặp theo: “Để con được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho con.

Điều răn thứ sáu là: “Con không được giết người” (13). Mọi người phải biết tôn trọng sự an toàn của người khác như của mình.

Bất cứ một sự tranh đấu nào vì giận dữ, thù oán, tham muốn chiếm đoạt, ưa danh vọng, gian xảo, và các hành động hay lời nói làm người khác bị đau khổ, tổn thọ, cũng đều là vi phạm điều răn nầy. Muốn không vi phạm thì phải có lòng nhân từ, tử tế, chịu đựng, và tha thứ.

Điều răn thứ bảy: “Con không được phạm tội tà dâm” (14). Thường thì ý nghĩa của chữ tà dâm là có liên hệ xác thịt với người khác ngoài hôn nhân trong bất cứ trường hợp nào. Nhưng Đức Chúa Giêxu nói rõ hơn về ý nghĩ tà dâm là: “Hễ ai nhìn phụ nữ mà ham muốn thì trong lòng đã phạm tội tà dâm với người ấy rồi” (Mathiơ 5:28).

Tà dâm không có nghĩa chỉ là hành động dâm uế xác thịt, mà còn là dục vọng thầm kín trong lòng nữa. Trong xã hội mà sự ly dị được chấp nhận bởi bất cứ lý do gì, thì tình trạng dâm loạn là điều tất yếu. Người ta chỉ được ly dị vì lý do ngoại tình (Mathiơ 19:9).

Điều răn thứ tám: “Con không được trộm cắp” (15). Nhiệm vụ tiếp theo đối với người khác là không được xâm hại đến quyền sở hữu của họ. Công khai cướp giật tài sản là tội ác quá rõ ràng; trộm cắp là lén lút lấy những của cải không phải là của mình.

Việc ấy bao gồm cả sự khai gian dối để hưởng trợ cấp từ công quỹ, trốn tránh không trả nợ, gian lận tiền lương của công nhân, và khai dối để trốn thuế. Đừng nại lý do ai cũng làm như vậy để yên tâm phạm tội với Chúa.

Điều răn thứ chín: “Con không được làm chứng dối hại người lân cận mình” (16), là điều răn bị vi phạm nhiều nhất.

Bởi vì không phải chỉ là đứng ra làm chứng dối về điều không có, mà còn là vu khống, nói hành, loan truyền lời nói xấu người khác mà mình không biết rõ, quả quyết về việc không chứng kiến, dùng lời nói lén không đúng sự thật làm hại thanh danh người khác, mà lòng không chút áy náy. Vì vậy, Đức Chúa Trời phải ra điều răn nầy để cảnh cáo nhiều người.

Điều răn thứ mười là: “Con không được tham muốn nhà người lân cận con, cũng không được tham muốn vợ, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa hay bất cứ vật gì thuộc về người lân cận con” (17).

Điều răn nầy là sự dạy dỗ nguyên tắc tổng quát các luật lệ của Đức Chúa Trời. Bởi vì chẳng phải chỉ là hành động và lời nói, mà tư tưởng xấu trong lòng cũng bị nghiêm cấm nữa. Người nào biết gìn giữ điều răn nầy thì sẽ không bị cám dỗ mà phạm hai điều răn thứ bảy và tám về sự tham lam và ước muốn dục vọng.

Sau khi nghe chính tiếng phán của Đức Chúa Trời truyền Mười Điều Răn, dân Israel “run sợ và đứng xa ra. Họ nói với Môi-se: ‘Xin chính ông nói thẳng với chúng tôi và chúng tôi sẽ nghe; nhưng xin Đức Chúa Trời đừng phán với chúng tôi, e chúng tôi chết mất’” (18–19).

Dân Israel rút xa chân núi vì họ chịu không nổi tiếng phán kinh khiếp của Chúa. Môi se đáp: “Đừng sợ, vì Đức Chúa Trời giáng lâm để thử lòng anh em, để anh em luôn kính sợ Ngài mà không phạm tội. Dân chúng đứng xa xa, còn Môi-se đến gần đám mây dầy đặc, nơi Đức Chúa Trời đang ngự” (20–21).

Đức Chúa Trời lại dùng Môi se căn dặn dân chúng đừng làm bất cứ tượng thần nào bên cạnh Đức Chúa Trời, cũng không được ‘tự tạo các tượng thần bằng bạc hay bằng vàng nào cả’ (22–23).

Chúa muốn họ xác nhận rằng chính tai họ đã nghe Ngài ‘từ trên trời tuyên phán,’ không phải lời truyền lại của Môi-se. Vì Chúa biết rằng khi dân Israel trở lòng hướng về thần tượng, bắt chước các thói tục của người ngoại bang, thì họ sẽ đổ thừa là những điều răn nầy do Môi-se nói cho họ, chứ không phải họ nghe trực tiếp từ Đức Chúa Trời.

Về việc lập bàn thờ thì Đức Chúa Trời chỉ dẫn cho Môi-se cách thức làm để được Ngài đến ban phước cho. Đó là phải làm bằng đất. Còn nếu bằng đá thì không được dùng đá đẽo, “vì nếu con dùng dụng cụ để đẽo thì con đã làm cho đá đó ra ô uế” (24–25).

Đức Chúa Trời muốn sự thờ phượng của dân sự Ngài xuất phát từ trong lòng, không phải bề ngoài. Đất và đá chưa đẽo không đòi hỏi nhiều công sức hoặc tốn kém. Vì dân ngoại làm bàn thờ rất cầu kỳ, tốn kém và chỉ nhằm phô trương.

Còn nếu cho phép đẽo đá thì người ta sẽ trang trí hình ảnh và trở nên thờ hình tượng là điều Chúa nghiêm cấm.

Sau cùng là giữ gìn để không bị phạt vì hở hang trước bàn thờ (26).

XuatAiCap19.docx

Rev Dr. CTB