Lễ Vật Thánh và Sinh Tế

Lê vi ký, bài 14

Lê-vi-ký 22:1–33

Đức Chúa Trời lại tiếp tục dặn dò A-rôn và các con của ông về những điều xúc phạm đến sự thánh khiết của Ngài qua các cách thi hành tế lễ và dùng những lễ vật thánh (1–2).

Ngài luôn nhắc họ rằng: “Ta là Đức Giê-hô-va,” Đấng chí thánh, hoàn toàn khác với những ý niệm về thần thánh bình thường của loài người; do đó, thái độ thiếu tôn trọng đối với các lễ vật thánh sẽ là xúc phạm đến Danh Thánh của Ngài.

Nếu Chúa không cho biết những luật lệ và quy định rõ ràng ngay thời kỳ đầu của chức vụ và công việc của các thầy tế lễ, thì dòng dõi của họ về sau sẽ vi phạm đủ thứ lầm lỗi.

Trước đó, Đức Chúa Trời đã cho họ biết những gì bị Ngài xem là ô uế rồi, và các luật ấy có giá trị qua mọi thế hệ. Vì thế, “bất cứ người nào thuộc dòng dõi A-rôn đang trong tình trạng ô uế mà đến gần các lễ vật thánh” thì người đó sẽ bị Chúa khai trừ khỏi sự hiện diện của Ngài (3).

Những người đang “bị bệnh phong hủi hay bệnh lậu” hoặc “bị chạm vào bất cứ thứ gì đã bị ô uế bởi xác chết,” người bị di tinh, hay bị ô uế vì chạm tới những vật bị kể là ô uế (4–5), thì phải tránh xa các lễ vật thánh do dân Israel cung hiến cho Chúa, và cũng không được ăn các lễ vật ấy.

Những người bị các tình trạng ô uế mà có thể được sạch sau khi tắm mình trong nước và sau khi mặt trời lặn thì sẽ được ăn các lễ vật thánh, là thức ăn của họ, nghĩa là họ được ăn các vật thánh sau khi đã thực hiện xong các nghi thức làm sạch mình (6–7).

Sách Lê-vi-ký có sáu chỗ ghi hình phạt bị khai trừ khỏi dân chúng vì những tội ăn các lễ vật thánh và ăn huyết (7:20–21, 25, 27; 19:8; 23:29).

Nhưng ở chỗ nầy thì hình phạt là khai trừ khỏi sự hiện diện của Chúa (3), vì đã phạm tội dám đến gần các lễ vật thánh đã dâng lên Chúa, trong khi thân thể mang bệnh ô uế. Chính Chúa sẽ khai trừ họ khỏi trước mặt Ngài, như Ngài đã khai trừ Na-đáp và A-bi-hu vậy (Lêviky 10:1–2).

Chúa nhắc lại một lần nữa về luật đặc biệt cấm mọi thầy tế lễ ăn “thú vật chết hay bị thú dữ xé” (8), để họ khỏi bị ô uế. Ai không tuân lệnh, tức là phỉ báng các lễ vật thánh, thì sẽ bị giết chết bởi Đấng đã thánh hoá họ (9).

Theo lẽ tự nhiên thì thịt một con thú bị chết bệnh đều có chứa mầm bệnh trong máu nó. Ăn thịt ấy vào thì chỉ có hại chứ không có gì tốt cả; hơn nữa, thịt thú chết thì máu vẫn nằm nguyên trong các thớ thịt, vi trùng và vi khuẩn sinh sôi rất mạnh trong môi trường như vậy. Đấng Tạo Hoá biết rõ hơn loài người về sự nguy hại của thịt thú bị chết, nên Ngài xem nó là ô uế.

Nếu thầy tế lễ nào không phân biệt mà ăn đồ ô uế, rồi sau đó đến gần các lễ vật thánh để ăn, thì sẽ mắc tội phỉ báng các lễ vật thánh đã dâng lên cho Chúa, nên sẽ bị trừng phạt.

Những người trong gia đình thầy tế lễ phải thuộc về gia tộc A-rôn. Dù là người thuộc chi tộc Lê-vi cũng không phải là gia đình thầy tế lễ.

Chỉ những người nào thuộc gia tộc A-rôn mới được lãnh chức vụ tế lễ, và gia đình thầy tế lễ thì được quyền ăn các lễ vật thánh. Cho nên dù là khách trọ hay người làm thuê trong nhà thầy tế lễ, thì những người ấy cũng không được ăn lễ vật thánh (10).

Sở dĩ các người nô lệ do thầy tế lễ mua về hay sinh ra trong nhà thì được ăn lễ vật thánh, vì họ là sở hữu của gia đình ấy, được kể như người thân trong nhà (11). Trái lại, con gái của thầy tế lễ lấy chồng không phải là thầy tế lễ, thì không còn quyền được ăn lễ vật thánh, vì đã thuộc một gia đình của người ngoài.

Nếu người nữ ấy bị goá chồng hay bị ly dị mà không có con, và trở về nhà nương dựa cha, thì lại được phép ăn lễ vật thánh. Vì “không người nào ngoài gia đình thầy tế lễ được phép ăn các lễ vật thánh cả” (12–13).

Đối với những người nào ăn lễ vật thánh vì vô ý, nghĩa là không biết thịt và bánh mình ăn là lễ vật thánh, thì người ấy chỉ bị phạm lỗi nên chỉ phải đền bù vật mình ăn cộng một phần năm giá trị vật ấy (14). Lỗi vì vô ý và sự bồi thường đã đề cập ở phần trước (Lêvi 4:2, 22, 27; 5:15, 18).

Chẳng những “thầy tế lễ không được làm ô uế vật thánh mà dân Israel dâng lên Đức Giêhôva” về phần mình ăn, mà cũng ngăn chận không để cho người ngoài ăn vật thánh và phải đền nữa (15–16).

Lời dặn dò kế tiếp của Chúa không những cho A-rôn và các con trai mà còn cho toàn thể hội chúng Israel và ngoại kiều sống ở giữa họ đều phải biết nữa. Bởi vì mệnh lệnh nầy liên quan đến việc họ tự nguyện hay hứa dâng “tế lễ thiêu lên Đức Giê-hô-va” (17–18).

Con thú dâng làm lễ vật phải là “một con đực không tì vết bắt từ bầy bò, hoặc chiên con hay dê cái” (19). Một con vật bị tì vết sẽ không được Chúa đoái nhậm (20).

Tuy thế, cần phải nhắc lại rằng đối với các tế lễ thiêu thì lễ vật phải là con đực (Lêvi 1:3); còn tế lễ bình an và tế lễ chuộc tội cá nhân thì có thể dâng hoặc là chiên cái hay dê cái (Lêvi 4:12; 5:6).

Khi một người đã hứa dâng hay tự nguyện dâng lên Đức Giê hô-va một tế lễ bình an bằng bò hay chiên thì phải dâng một con vật không tì vết mới được đoái nhậm” (21).

Không một ai được phép đem những con vật bị mù một mắt hay cả hai, què chân, bị thương tích, ghẻ chốc hay lở lói, mà đặt trên bàn thờ làm tế lễ thiêu (22).

Lý do mà Đức Chúa Trời đòi hỏi sự cẩn thận khi dâng lễ vật cho Ngài là vì: Những của tế lễ thì hoặc là một sự bày tỏ lòng ca tụng, ngợi khen về sự tốt lành của Ngài, hoặc là một lễ vật được dâng hiến để chuộc lỗi hay duy trì ân huệ của Ngài.

Vì thế, một món quà không hoàn hảo, khiếm khuyết hay tệ hại, thì không xứng hợp cho các mục đích muốn người nhận hài lòng; hơn nữa một món quà bằng con vật bệnh hay khuyết tật đem tặng cho bậc bề trên là một thái độ khinh thường và vô lễ.

Chẳng một ai dám tặng cho các vị vua hoặc lãnh chúa quyền uy bằng những con thú tật nguyền hay bệnh hoạn; bởi vì lễ vật đã không được nhậm mà còn bị trừng phạt nghiêm khắc.

Sở dĩ Chúa phải đặt luật nầy ra vì khi người ta không thấy Ngài thì họ có thể tưởng rằng Ngài chẳng thể nhận biết các con vật tế lễ bị què quặt, như họ sẽ làm ở các thế hệ sau nầy (Mal. 1:6–8).

Bò hay chiên có chân quá dài hay quá ngắn thì được chấp nhận làm lễ vật tự nguyện, nhưng để làm lễ vật khấn nguyện thì không được (23); vì muốn cầu xin ân huệ thì lễ vật phải tốt đẹp mới được nhậm, mà khấn nguyện tức là người dâng tế lễ hứa nguyện với Chúa sẽ làm một điều gì đó để xin Ngài ban cho một ân huệ mà mình mong muốn.

Một con vật bị thiến, bị giập hay rách tinh hoàn, là con vật bị thương tật và có tì vết, thì không được dùng làm tế lễ bình an, tạ ơn hay chuộc lỗi dâng lên Đức Giê-hô-va (24–25); vì là các loại tế lễ mà thầy tế lễ và người dâng được ăn.

Bò con, chiên con hoặc dê con mới sinh chưa đủ bảy ngày sau khi sinh ra thì chúng rất yếu ớt, chưa dùng làm đồ ăn được. Phải tới ngày thứ tám, các con thú con ấy mới đủ sức chạy nhảy và vì vậy, mới có thể dùng làm lễ vật trong các thứ tế lễ dùng lửa dâng lên Đức Giê-hô-va (26–27).

Hơn nữa, một con thú non mới sinh mà đã bị dùng làm sinh tế thì quá độc ác. Cũng vì lý do đó mà Đức Chúa Trời cấm “không được giết cả bò mẹ lẫn bò con, chiên mẹ lẫn chiên con trong cùng một ngày” (28). Ngài muốn dân Israel phản ảnh được đức nhân từ của Đấng vẫn thường dắt chăn họ.

Về sau, Môi-se truyền lại lệnh cấm dân Israel không được bắt cả chim mẹ lẫn chim con, họ được bắt chim con nhưng phải thả chim mẹ, vì như vậy họ mới được phước và sống lâu (Phục Truyền 22:6–7).

Những lệnh như thế nầy nhằm luyện tập người ta về tính nhân đạo trong cách thức đối xử với các sinh vật hiền lành và vô hại. Nhân từ là tính cao cả đặc biệt của Đức Chúa Trời.

Đã không được dùng con thú có tì vết hay tật nguyền làm tế lễ, mà tấm lòng của người dâng tế lễ tạ ơn còn phải làm thế nào để được Đức Giê-hô-va đoái nhậm (29).

Sẽ chẳng có tế lễ nào của người có tâm tính độc ác được Chúa nhậm. Vì tấm lòng của người dâng quan trọng hơn của dâng hiến.

Vì đức thánh khiết mà Đức Giê-hô-va phán dặn: “Phải ăn tế lễ trong chính ngày đó, không nên để lại bất cứ thứ gì đến sáng hôm sau (30).

Mệnh lệnh phải tôn trọng và tôn kính đức thánh khiết của Đức Chúa Trời được nhắc nhiều lần chỉ trong một phân đoạn ngắn (31–33); nhưng câu phán: “Ta là Đức Giê-hô-va” còn có ý nghĩa là con dân Isarael phải vâng lời Ngài nữa. Bởi Ngài không phải là một vị thần tầm thường, mà là Chúa Tể của cả vũ trụ.

Sự nhắc nhở nầy là để Israel phải ghi nhớ mà từ bỏ ý niệm các thứ thần thánh ô uế mà họ bị tiêm nhiễm từ người Ai-cập. Đức Chúa Trời là Chúa Chí Thánh, Thần Tối Cao và là Chúa yêu thương hằng dẫn dắt họ.

Leviky14.docx
Rev. Dr. CTB